Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022: Tìm giải pháp phát triển logistics xanh
Ngày 26/11/2022, Bộ Công Thương phối hợp với Thành ủy, UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức phiên toàn thể của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề “Logistics xanh” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức từ năm 2013 đến nay.
Phiên toàn thể có sự tham dự của đồng chí Trần Tuấn Anh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ngoài ra, còn có sự tham dự khoảng 500 đại biểu đến từ các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp dịch vụ logistics, cơ sở đào tạo – nghiên cứu, cơ quan truyền thông và các đơn vị có liên quan.
Những kết quả đáng ghi nhận
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.
“Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của Ngành trong khu vực và thế giới”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 lên 616,30 tỷ USD, tăng 14,06 % so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường.
Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, song ngành logistics còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao… Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, đây là điểm nghẽn lớn kìm hãm sự phát triển của ngành logistics.
Diễn đàn năm nay với chủ đề “Logistics xanh” với mối quan tâm của Chính phủ trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường, gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo cam kết của Việt Nam tại COP 26. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, tại Diễn đàn này các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, địa phương … tập trung trao đổi về giải pháp tháo gỡ khăn vướng mắc, các làm hay hiệu quả và kiến nghị các giải pháp để phát triển ngành logistics, đặc biệt là giải pháp phát triển logistics xanh để tận dụng các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới để ngành phát triển, hỗ trợ mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Xanh hóa ngành logistics
Ghi nhận và biểu dương các nỗ lực, cố gắng của Bộ Công Thương và các bộ liên quan tổ chức tốt các hoạt động thường niên về logistics, đồng chí Trần Tuấn Anh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – cho rằng, Diễn đàn năm nay càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Thành phố Hải Phòng – một cực phát triển quan trọng không chỉ trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của Vùng Bắc bộ và cả nước; là thành phố được Bộ Chính trị xác định là trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia.
Trong bối cảnh phát triển mới, đặt ra yêu cầu ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics.
Cũng tại Diễn đàn, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã nêu 5 giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics; Tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng; Quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh; Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng như Các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các địa phương…; Nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics.
Đặc biệt, Diễn đàn cũng đã chứng kiến Lễ ra mắt Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề LOGISTICS XANH.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, cũng đã diễn ra Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics năm 2022.
Cùng đó cũng diễn ra Lễ ký kết một số Bản ghi nhớ hợp tác giữa: Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam – Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – Vietravel Airlines, BW Industrial Development – Deep C, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – T&Y SuperPort Vĩnh Phúc.
Ngoài phiên toàn thể, Diễn đàn còn có 02 Hội thảo chuyên đề về “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” và “Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới”.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 là sự kiện thường niên được tổ chức lần thứ 10 (từ năm 2013 đến nay) với mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.
Qua 9 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành thương hiệu uy tín, có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của Lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp; là dịp để các bên liên quan cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của Ngành và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ quan trọng này.